Nằm về phía Đông thành phố Hội An, Thanh Châu là một làng được thành lập khá sớm ở Hội An và từng giữ vai trò rất quan trọng trong diễn trình lịch sử, văn hóa Hội An. Theo các kết quả nghiên cứu, làng Thanh Châu được thành lập vào thế kỷ XVII bởi 6 tộc tiền hiền là tộc Trần, Hồ, Lê, Nguyễn, Phạm, Huỳnh. Lúc này làng Thanh Châu bao gồm cả làng Võng Nhi - một làng mà theo văn bia mộ tổ tộc Trần Văn hiện còn ở thôn Võng Nhi, xã Cẩm Thanh cho biết nó được hình thành vào niên hiệu Cảnh Thống năm Mậu Ngọ (năm 1498). Trải qua quá trình phát triển, làng Thanh Châu được chia thành làng Thanh Đông, Thanh Tây, Thanh Nam. Sau đó, đến trước năm 1945, làng Thanh Đông tiếp tục được chia lại thành làng Thanh Đông, Thanh Nhứt, Thanh Nhì, Thanh Tam.
Kế thừa truyền thống văn hóa của cư dân Việt ở Bắc bộ và thích ứng với điều kiện sinh thái, xã hội ở vùng đất mới, cư dân làng Thanh Châu sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau như làm nông, khai thác thủy hải sản, buôn bán bằng ghe bàu,… đặc biệt là nghề khai thác tổ chim yến và sơ chế tổ chim yến (yến sào) - loại sản phẩm đứng đầu trong “bát trân ngự thiện” của vua chúa thời phong kiến.
Một số truyền thuyết lưu truyền tại địa phương liên quan đến việc phát hiện và khai thác tổ chim yến tại Cù Lao Chàm của cư dân làng Thanh Châu. Một truyền thuyết cho rằng nghề khai thác tổ chim yến ở làng Thanh Châu là do vợ chồng ông Trần Tiến người làng Thanh Châu làm nghề câu, tình cờ phát hiện trong một lần bị bão đánh dạt vào đảo. Một truyền thuyết khác có tên là Nàng Yến, lý giải việc chim yến làm tổ liên quan đến hóa thân một người con gái vì muốn cứu cha khỏi chết đói đã dùng nước miếng của mình làm thành món ăn, đó là tổ yến ngày nay. Tuy vậy, theo một số tư liệu lịch sử, vào trước thế kỷ XIII, người Trung Quốc đã biết đến giá trị của tổ chim yến và một số nước Đông Nam Á, trong đó có cư dân Champa đã biết khai thác nguồn lợi này. Vì thế, về thực chất là người Việt/cư dân làng Thanh Châu đã tiếp thu kinh nghiệm khai thác yến sào từ người Champa trên bước đường mở cõi về phương Nam. Dưới thời các chúa Nguyễn đến triều Nguyễn, việc khai thác tổ yến của cư dân làng Thanh Châu dần dần được tổ chức một cách bài bản từ tự phát đến chuyên nghiệp, từ phạm vi hẹp đến cả miền Trung.
Qua một số tư liệu Hán Nôm hiện lưu giữ tại gia đình con cháu của tộc Trần và tộc Hồ ở Cẩm Thanh, cũng như một số tư liệu văn bia liên quan, cho biết, trong lịch sử, hai tộc Trần và Hồ ở làng Thanh Châu giữ vai trò chủ yếu trong nghề khai thác tổ chim yến.
Từ cuối thế kỷ XIX đến trước năm 1975, việc khai thác và tiêu thụ yến sào ở Cù Lao Chàm được chính quyền địa phương hỗ trợ theo hình thức: cộng đồng khai thác yến của làng Thanh Châu phụ trách việc canh giữ hang và khai thác tổ yến, còn các công ty hay hiệu buôn lớn của người Hoa như Tân Lập, Triều Phát hay Xán Tinh yến thuế công ty… phải đấu thầu với thời hạn 3 năm hoặc 5 năm và phải nộp thuế để được quyền tiêu thụ sản phẩm.
Nguồn: Trung tâm QLBTDS thành phố Hội An