Trang chủ    Tin tức    Nghề Khai thác Yến sào Thanh Châu

Nghề Khai thác Yến sào Thanh Châu

Quá trình ra đời, tồn tại của di sản văn hóa phi vật thể:

Nằm về phía Đông thành phố Hội An, Thanh Châu là một làng được thành lập khá sớm ở Hội An và từng giữ vai trò rất quan trọng trong diễn trình lịch sử, văn hóa Hội An. Theo các kết quả nghiên cứu, làng Thanh Châu được thành lập vào thế kỷ XVII bởi 6 tộc tiền hiền là tộc Trần, Hồ, Lê, Nguyễn, Phạm, Huỳnh. Lúc này làng Thanh Châu bao gồm cả làng Võng Nhi - một làng mà theo văn bia mộ tổ tộc Trần Văn hiện còn ở thôn Võng Nhi, xã Cẩm Thanh cho biết nó được hình thành vào niên hiệu Cảnh Thống năm Mậu Ngọ (năm 1498). Trải qua quá trình phát triển, làng Thanh Châu được chia thành làng Thanh Đông, Thanh Tây, Thanh Nam. Sau đó, đến trước năm 1945, làng Thanh Đông tiếp tục được chia lại thành làng Thanh Đông, Thanh Nhứt, Thanh Nhì, Thanh Tam.

Kế thừa truyền thống văn hóa của cư dân Việt ở Bắc bộ và thích ứng với điều kiện sinh thái, xã hội ở vùng đất mới, cư dân làng Thanh Châu sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau như làm nông, khai thác thủy hải sản, buôn bán bằng ghe bàu,… đặc biệt khai thác tổ chim yến và sơ chế tổ chim yến (yến sào) - loại sản phẩm đứng đầu trong “bát trân ngự thiện”2 của vua chúa thời phong kiến.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi như độ ẩm, nhiệt độ phù hợp, có nhiều hang sâu, vách đá cheo leo, các đảo ở vùng Đông Nam Á nói chung, ở miền Trung Việt Nam nói riêng, đặc biệt cụm đảo Cù Lao Chàm là môi trường sinh sống và làm tổ lý tưởng của chim yến. Chính vì vậy, khi Cristophoro Borri đến Đàng Trong vào thế kỷ XVII, đã có mô tả về chim yến ở xứ này như sau: “Ở xứ này có một thứ chim be bé giống như chim én, nó làm tổ ở những cồn đá và hốc đá sóng biển vỗ vào. Con vật nhỏ này dùng mỏ lấy bọt biển cả với chất toát ra từ dạ dày, trộn cả hai thứ lại làm thành một thứ tôi không biết là bùn hay nhựa để làm tổ. Tổ này khi đã khô cứng thì trong suốt và có sắc vừa vàng vừa xanh… Thứ này nhiều đến nổi chính tôi đã thấy người ta chất đầy mười chiếc thuyền nhỏ những tổ yến nhặt ở dọc các hốc núi đá, trong khoảng chưa đầy nửa dặm”3. Cũng theo sách Đại Nam Nhất thống chí, tập 2, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, ở phần tỉnh Quảng Nam, trong mục núi sông chép: “Đảo Đại Chiêm: ở cách huyện Diên Phước 68 dặm về phía đông, ngất ngưỡng giữa biển, gọi là đảo Ngọa Long, cũng gọi là hòn Cù Lao, có tên nữa là núi Tiêm Bút, tên cổ là Chiêm Bất Lao, làm trấn sơn cho cửa biển Đại Chiêm. … Về phía tây chừng 3 dặm, có hòn Lồi, về phía nam chừng 7 dặm có hòn Tai, về phía bắc chừng 10 dặm có hòn La, về phía tây bắc chừng 17 dặm có hòn Khô lớn, hòn Khô nhỏ, hòn Dài, hòn Mậu. Phía nam hòn Tai có hang đá, chim yến tụ tập, tục gọi là hòn Yến, chim yến thường ở hai bên động nhả nước dãi để làm tổ, yến hộ lấy nộp”

Những kết quả nghiên cứu trong thời gian qua cho biết chim yến có tên khoa học là Yến hàng - Collocalia Fuciphaga Germaini Oustaket, một loài chim đặc biệt của phân giống Yến hông xám (Swiftlest), giống Collocalia, họ Apodidac, bộ Yến Apdiformes. Chim yến có vóc dáng nhỏ, hông và bụng màu xám, toàn thân nâu đen, cánh dài và vút nhọn, đuôi ngắn chẻ ít, chân thấp có móng vuốt. Từ những đặc điểm đó, người Trung Quốc gọi chim yến là Huyền điểu, Du ba điểu, Hải yến; người Anh gọi là Sea-Swallow, người Pháp gọi là Salagane, Hirondelles de mer. Thức ăn của chim yến là kiến, ruồi, muỗi, nhện, chuồn chuồn,... Chim yến đi ăn theo đàn vào ban đêm với hành trình hàng trăm kilomet. Mỗi năm chim yến chỉ sinh sản một lần, đẻ 2 trứng, chim bố, mẹ thay nhau ấp trứng và nuôi con. Hơn một năm chim con trưởng thành và có khả năng làm tổ như chim bố, mẹ. Vòng đời chim yến trung bình từ 10 - 13 năm. Tổ chim yến, âm Hán Việt là yến sào, được làm trên vách đá cheo leo ở những nơi hiểm trở bằng nước bọt của mình tiết ra qua cặp tuyến dưới lưỡi. Tổ chim yến không những có giá trị kinh tế rất cao, được ví là “vàng trắng” mà còn chứa giá trị dinh dưỡng cực kỳ lớn. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong tổ chim yến có đến 18 loại acid amin, serine, tyrosine, phenylalanune, valine, arginine,… và 39 nguyên tố đa vi lượng là những khoáng chất cần thiết cho cơ thể con người như Ca, Fe; ổn định thần kinh trí nhớ như Mn, Br, Cu, Zn; kích thích tăng tiêu hóa như Cr; chống lão hóa và chất phóng xạ như Se… Trong y dược cổ truyền, tổ chim yến được xem như thần dược chữa trị được nhiều bệnh nan y như lao phổi, viêm xương, huyết lỵ, đàm cách…

Một số truyền thuyết lưu truyền tại địa phương liên quan đến việc phát hiện và khai thác tổ chim yến tại Cù Lao Chàm của cư dân làng Thanh Châu. Một truyền thuyết cho rằng nghề khai thác tổ chim yến ở làng Thanh Châu là do vợ chồng ông Trần Tiến người làng Thanh Châu làm nghề câu, tình cờ phát hiện trong một lần bị bão đánh dạt vào đảo. Một truyền thuyết khác có tên là Nàng Yến, lý giải việc chim yến làm tổ liên quan đến hóa thân một người con gái vì muốn cứu cha khỏi chết đói đã dùng nước miếng của mình làm thành món ăn, đó là tổ yến ngày nay. Tuy vậy, theo một số tư liệu lịch sử, vào trước thế kỷ XIII, người Trung Quốc đã biết đến giá trị của tổ chim yến và một  số nước Đông Nam Á, trong đó có cư dân Champa đã biết khai thác nguồn lợi này. Vì thế, về thực chất là người Việt/cư dân làng Thanh Châu đã tiếp thu kinh nghiệm khai thác yến sào từ người Champa trên bước đường mở cõi về phương Nam. Dưới thời các chúa Nguyễn đến triều Nguyễn, việc khai thác tổ yến của cư dân làng Thanh Châu dần dần được tổ chức một cách bài bản từ tự phát đến chuyên nghiệp, từ phạm vi hẹp đến cả miền Trung.

Cuối thế kỷ XVIII, nhà sử học Lê Quý Đôn đến Đàng Trong và đã có miêu tả, ghi chép khá thú vị về nghề khai thác yến sào của cư dân làng Thanh Châu trong tác phẩm Phủ biên tạp lục: “Phủ Thăng Hoa, huyện Hà Đông, xã Thanh Châu có nghề lấy yến sào, dân xã ấy tản cư các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quy Nhơn, Phú Yên, Bình Khang, Diên Khánh, Gia Định, hàng năm cứ  đến tháng 2 phải nộp tổ non mới 120 tổ, người áp thu lĩnh tờ thị, sửa sang thuyền, đi đến các phủ để thu thuế, tháng 7 mang về trình nộp sổ tiêu sai, thực nộp là bao nhiêu người, tùy hạng mà tính thu, hạng tráng mỗi người nộp 2 cân yến sào, nếu không có thì nộp thay bằng tiền 2 quan, hạng dân mỗi người nộp 1 cân 8 lạng, hạng lão và hạng đinh mỗi người nộp 1 cân; còn cả xã lại nộp lễ thường tân, chính đán 1.500 tổ. Năm Mậu Tý thuế yến sào nộp thay bằng tiền là 773 quan 1 tiền 30 đồng”5. Mục thổ sản trong sách Đại Nam Nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn có chép: “Yến sào: sản ở đảo Đại Chiêm (cù lao Chàm), có yến hộ để đi lấy, đồng niên phải nộp 80 lạng”6.

Qua một số tư liệu Hán Nôm hiện lưu giữ tại gia đình con cháu của tộc Trần và tộc Hồ ở Cẩm Thanh, cũng như một số tư liệu văn bia liên quan, cho biết, trong lịch sử, hai tộc Trần và Hồ ở làng Thanh Châu giữ vai trò chủ yếu trong nghề khai thác tổ chim yến. Theo một số tư liệu hiện được lưu giữ tại nhà ông Hồ Thanh Nhứt (thôn Thanh Đông - xã Cẩm Thanh - Hội An), nhiều người trong tộc Hồ được triều đình giao giữ chức vụ quản lĩnh tam tỉnh yến hộ ở Quảng Nam, Bình Định và Khánh Hòa. Năm Gia Long thứ 3 (1804), triều đình cho phép ông Hồ Văn Hòa quy tập ngoại dân thành lập Thanh Châu Yến Đội để canh giữ hang yến và khai thác yến sào nộp cho triều đình, ông Hồ Văn Hòa giữ chức Đội trưởng. Năm Minh Mạng thứ nhất (1820), triều đình cho đổi Thanh Châu Yến đội thành Thanh Châu Yến hộ, vẫn do ông Hồ Văn Hòa làm hộ trưởng Yến hộ. Năm Tự Đức thứ 8, Hồ Văn Học - con của ông Hồ Văn Hòa được triều đình cấp bằng làm yến hộ hộ trưởng quản lãnh yến hộ Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa. Từ năm Tự Đức thứ 8 đến năm tự Đức thứ 36, giữ chức yến hộ hộ trưởng quản lãnh yến hộ 3 tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa lần lượt là Hồ Văn Bình, Hồ Văn Kiểm, Hồ Văn Trứ, Hồ Văn Phú,...7

Vai trò của tộc Trần đối với nghề khai thác yến sào cũng được thể hiện trong tư liệu hiện được lưu giữ tại nhà ông Trần Văn Sang ở thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh và trong "Mục lục Châu Bản Triều Nguyễn", triều Gia Long có truyền rằng: "Vào ngày 20 tháng 01 năm Gia Long 4, có truyền cho lập đội yến sào ở làng Thanh Châu. Công đồng truyền: Quan công đường doanh Quảng Nam được rõ: Cai đội Huyên Trần Văn Giai thuộc đội Hổ Dực vệ Tề Võ làm đơn xin về làng Thanh Châu quy tập di dân, lập thành đội yến sào, hàng năm mỗi người nộp 8 lượng yến được nộp thuế riêng. Công đường quan đã tạm cho quy tập được 7 người dân, với 2 chiếc thuyền"8.

Từ cuối thế kỷ XIX đến trước năm 1975, việc khai thác và tiêu thụ yến sào ở Cù Lao Chàm được chính quyền địa phương hỗ trợ theo hình thức: cộng đồng khai thác yến của làng Thanh Châu phụ trách việc canh giữ hang và khai thác tổ yến, còn các công ty hay hiệu buôn lớn của người Hoa như Tân Lập, Triều Phát hay Xán Tinh yến thuế công ty… phải đấu thầu với thời hạn 3 năm hoặc 5 năm và phải nộp thuế để được quyền tiêu thụ sản phẩm.

Từ năm 1975 đến nay, việc khai thác, chế biến và tiêu thụ yến sào ở Hội An được UBND thành phố Hội An quan tâm, hỗ trợ cộng đồng quản lý, khai thác và tiêu thụ. Ngày 20/12/1975, UBND Thị xã Hội An (nay là thành phố Hội An) ban hành quyết định thành lập Đội Quản lý và khai thác yến sào Hội An trên cơ sở Đội khai thác yến sào của cộng đồng cư dân làng yến Thanh Châu do nghệ nhân khai thác yến Trần Hối làm đội trưởng. Cũng từ năm 1975 đến nay, UBND thành phố Hội An đã đầu tư các trang thiết bị mới và áp dụng nhiều biện pháp thích hợp để giúp cộng đồng khai thác và bảo vệ tổ yến an toàn và hiệu quả, từng bước tăng sản lượng và chất lượng tổ yến cũng như duy trì đầu ra cho sản phẩm để tạo nguồn thu lâu bền, liên tục cho cộng đồng và phát triển kinh tế địa phương.

Nguồn: Trung tâm QLBTDS thành  phố Hội An

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia nghề Khai thác yến sào Thanh Châu

Nằm về phía Đông thành phố Hội An, Thanh Châu là một làng được thành lập khá sớm ở Hội An và từng giữ vai trò rất quan trọng trong diễn trình lịch sử, văn hóa Hội An

Miếu ông Tiến, Thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh

Theo tư liệu hồi cố dân gian, ngôi miếu này được xây dựng để thờ ông Trần Tiến, người làng Thanh Châu có công phát hiện tổ chim Yến và hình thành nghề khai thác Yến sào ở làng Thanh Châu nên được gọi là miếu Ông Tiến.

Lăng Tổ Nghề Yến

Lăng Tổ nghề yến nằm tại thôn Bãi Hương thuộc Hòn Lao, được xây dựng hoàn chỉnh vào khoảng đầu thế kỷ XIX để thờ Tổ nghề yến và các vị thần bảo hộ của nghề

Hang Yến

Hang Yến - là những hang đá nằm trên đảo, có loài chim yến sinh sống

Lễ giỗ tổ nghề yến tại Cù Lao Chàm

Ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, Đội quản lý khai thác yến sào Hội An phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Thành phố, chính quyền xã đảo Tân Hiệp và nhân dân địa phương long trọng tổ chức Lễ giỗ tổ nghề yến tại miếu tổ nghề yến ở Bãi Hương, Cù Lao Chàm.