Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo tham luận về các văn bản và công cụ phục vụ quản lý và khai thác CDĐL Yến sào Cù Lao Chàm - Hội An, như: Hồ sơ đăng ký; quy trình kỹ thuật khai thác, chế biến và bảo quản; hệ thống nhận diện thương hiệu cũng như quy chế quản lý.
Đa số các cơ quan chuyên môn cho rằng, cần nghiên cứu, xác định sự khác biệt giữa Yến sào Cù Lao Chàm - Hội An với các yến tự nhiên khác trong nước như yến Khánh Hòa, yến Bình Định, bởi Yến sào Cù Lao Chàm - Hội An mang đặc trưng về giá trị lịch sử văn hóa, điều kiện tự nhiên và giá trị dinh dưỡng rất cao; đồng thời cần phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong quy chế quản lý.
Việc xác lập chỉ dẫn địa lý “Cù Lao Chàm - Hội An” cho sản phẩm Yến sào của Hội An không chỉ bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng và sản xuất mà còn góp phần nâng giá trị kinh tế cho sản phẩm Yến sào Cù Lao Chàm - Hội An trên thị trường trong và ngoài nước, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho địa phương.
Ghi nhận những ý kiến tại hội thảo, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã tiếp thu, nghiên cứu và bổ sung để tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp lý đảm bảo tiến độ của dự án “Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Yến sào Cù Lao Chàm Hội An” được hoàn thành vào tháng 12 năm 2020.