Vừa qua, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố tổ chức Hội thảo khởi động dự án “Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Yến sào Cù Lao Chàm Hội An”. Hội thảo có sự tham dự của Sở Khoa học và Công nghệ, UBND thành phố, các cá nhân thực hiện dự án thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa và các cơ quan chức năng, tổ chức phối hợp dự án.
Các đại biểu tham gia hội thảo - Ảnh: Mỹ Lệ
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe ông Lương Đức Toàn - Chủ nhiệm dự án thông qua chi tiết kế hoạch thực hiện. Theo đó, dự án sẽ được triển khai ở 2 giai đoạn, gồm: Xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Yến sào Cù Lao Chàm Hội An; Quản lý, sử dụng và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Yến sào Cù Lao Chàm Hội An. Dự án được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt năm 2017 với sự hỗ trợ nguồn kinh phí từ Trung ương 2 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2020.
Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ - Bà Hà Thị Ánh Tuyết cho rằng: “Xuất phát từ nhu cầu thực tế địa phương, việc triển khai dự án rất cần thiết, bởi vì khi đảm bảo được chỉ dẫn địa lý thì sẽ giúp rất nhiều quyền lợi trong kinh doanh cũng như phát triển thị trường sản phẩm, đặc biệt sẽ ngăn chặn được tình trạng hàng giả, hàng nhái hiện nay. Sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thì vùng mang địa danh Cù Lao Chàm - Hội An cho sản phẩm Yến sẽ kích thích du lịch phát triển rất mạnh”.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đã có 2 chỉ dẫn địa lý được Cục sở hữu trí tuệ chứng nhận bảo hộ là chỉ dẫn địa lý “Trà My” cho sản phẩm quế vỏ và chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ. Vì vậy, việc xác lập chỉ dẫn địa lý “Cù Lao Chàm - Hội An” cho sản phẩm Yến sào của Hội An rất cần thiết, không chỉ bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng và sản xuất mà còn góp phần nâng giá trị kinh tế cho sản phẩm Yến sào Hội An trên thị trường trong và ngoài nước, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho địa phương.
“Nếu Yến sào Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận quyền sở hữu trí tuệ thì đây là một trong những kết quả lớn nhất của sự nghiệp khoa học - công nghệ của Hội An, tạo bước ngoặt lớn cho Hội An đối với sản phẩm Yến. Đề tài này mang lại giá trị rất cao, kể cả đánh giá được kết quả khoa học công nghệ của thành phố và tỉnh Quảng Nam. Việc xác lập chỉ dẫn địa lý Cù Lao Chàm - Hội An cho sản phẩm Yến sẽ góp phần cho du lịch Hội An phát triển”- Bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế Thành phố cho biết.
Khai thác Yến Cù Lao Chàm - Hội An- Ảnh: Phú Toàn
Hội thảo đã nghe ý kiến phát biểu từ phía cơ quan chủ trì dự án và các cơ quan phối hợp thực hiện. Đa số ý kiến cho rằng, ngoài lập hồ sơ bảo hộ cho 3 sản phẩm Yến Quan, Yến Thiên, Yến Bài thì cần bảo hộ sản phẩm Yến Tinh, Yến Mảnh để mở rộng thị trường. Đồng thời, cần tăng cường và chú trọng nội dung phát triển và quản lý chỉ dẫn địa lý sau khi được bảo hộ. Vấn đề kinh phí triển khai thực hiện dự án cũng được hội thảo quan tâm. Ngoài sự hỗ trợ từ nguồn Trung ương, dự án sẽ được hỗ trợ một phần nguồn kinh phí của tỉnh và thành phố.
Ghi nhận những ý kiến tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố đã đề nghị Viện Thổ nhưỡng Nông hóa - Cơ quan chủ quản dự án cần bổ sung quy định về quản lý chỉ dẫn địa lý sau khi dự án kết thúc, xác lập phương án giảm thiểu rủi ro. Đồng thời đề nghị các cơ quan liên quan tỉnh, thành phố hỗ trợ và phối hợp để Viện Thổ nhưỡng Nông hóa hoàn thành dự án theo lộ trình.
Tin rằng, với sự hỗ trợ của các cấp, ngành và sự phối hợp của các cơ quan chức năng, việc bảo hộ và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Yến sào Cù Lao Chàm - Hội An sẽ sớm được Cục sở hữu trí tuệ công nhận và sẽ là tiền đề nâng cao uy tín của sản phẩm Yến Cù Lao Chàm trên thị trường, đồng thời nâng cao vai trò Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An trong tương lai./.