Từ tình hình thực tế tại các hang yến, qua số liệu nhiều năm ghi nhận, mỗi năm đều có một số lượng chim yến non bị thất thoát. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chim non bị thất thoát do thời tiết không thuận lợi khiến tổ rơi làm chim non rơi theo, hoặc chim non bị đói, nắng, khát nước trườn mình ra khỏi tổ rơi xuống đáy hang. Vì vậy, việc cứu hộ, tiếp tục nuôi dưỡng đến khi chúng có thể bay được để thả theo đàn là giải pháp quan trọng, cần thiết, góp phần vào việc giữ ổn định và phát triển đàn chim yến đảo Cù Lao Chàm.
Trên cơ sở quy trình cứu hộ chim yến non bị rơi tổ từ kết quả đề tài khoa học cấp tỉnh và đã được thực hiện trong năm 2020. Ban Quản lý và Khai thác Yến CLC đã triển khai phương án “cứu hộ chim yến non rơi tổ năm 2021” đã đạt được những kết quả khả quan. Tổng số chim non thu được trong năm 2021 tại các hang là 1.580 chim (Chủ yếu ở một số hang lớn như hang Khô, hang Tò Vò, hang Cả), trong đó rơi nhiều nhất trong tháng 7, có 535 chim rơi còn sống và 1045 chim rơi đã chết tại hang. Số chim rơi thu được nhiều nhất là tại hang Khô.
Chim rơi còn sống thu được tại hang Khô
Do điều kiện còn khó khăn về nhân lực và cơ sở vật nên việc cứu hộ, nuôi dưỡng chỉ triển khai tại hang Khô và Hang Mũi Dứa. Năm 2021, tổng số chim cứu hộ và nuôi ở 2 hang này là 446 con, trong đó nuôi sống đến bay 265 con, đạt tỉ lệ 60%.
Quy trình cứu hộ bắt đầu từ việc thu gom chim non bị rơi tại đáy hang được sơ cứu và làm vệ sinh, lựa chọn những chim còn đủ điều kiện đưa vào nuôi cứu hộ (loại bỏ những chim quá yếu, chất thương nặng…). Số chim non rơi tổ sẽ được làm vệ sinh, cho uống nước đường, cho chim vào tổ giả, đưa vào các thùng cacton sưởi ấm và cho ăn nhẹ để chim phục hồi sức khỏe. Sau 1 ngày được sưởi ấm trong các hộp cacton, chim được phân loại theo tuổi và treo lên giá gỗ để tiếp tục chăm sóc, những chim còn quá nhỏ chưa mọc lông thì vẫn chăm sóc trong các thùng cacton cho đủ ấm đến khi chim có lông đen mới đưa lên giá gỗ.
Chim rơi nuôi tại hang Khô
Thức ăn và kỷ thuật cho chim là một trong bước hết sức quan trọng, thức ăn chủ yếu là từ tự nhiên như trứng kiến vàng, hay thức ăn tổng hợp được phối trộn từ dế, sâu gạo, ấu trùng ruồi, tôm xay, vitamin, kháng sinh để cho chim ăn. Số lần cho ăn với chim non dưới 10 ngày tuổi là 4 lần/ ngày với lượng ăn mỗi lần rất ít giúp chim nhận mồi dễ dàng, hạn chế cho chim mất sức khi nuốt thức ăn.
Với chim lớn sau 10 ngày tuổi đã xuất hiện lông ống thì cho ăn 3 lần/ ngày và lượng cho ăn nhiều hơn, tùy thuộc vào nhu cầu nhận thức ăn của từng chim. Khi cho ăn phải liên tục quan sát, nếu chim có dấu hiệu bị nghẹn thì xử lí ngay để chim không bị ngạt thở. Phải thường xuyên theo dõi những chim vừa cho ăn trước đó để phát hiện và xử lí kịp thời. Sau mỗi bữa cho ăn phải kịp thời vệ sinh quanh mép miệng chim không cho bột dính bị khô lại làm hư lông ở miệng, gây đau miệng khiến chim hay bỏ ăn.
Ông Huỳnh Hốt đang cho chim non ăn
Bên cạnh việc cho chim non ăn thì cần phải theo dõi tình hình sức khỏe của chim .Thường xuyên quan sát các hoạt động của chim trong tổ giả và trên giá treo trực tiếp tại nhà nuôi, kịp thời phát hiện các dấu hiệu khi chim bị nóng quá hay lạnh quá, phát hiện những chim bị rơi ra khỏi tổ bắt bỏ vô lại trong tổ, nếu chim bị treo ra ngoài tổ hay rơi xuống nền sẽ bị chết rất nhanh. Quan sát phân chim hàng ngày để biết được sức khỏe của chim, thường thì chim hay bị tiêu chảy do thức ăn không đảm bảo, một số chim cũng hay bị bón khó đi ngoài, phải kịp thời dùng thuốc đặc trị. Những chim yến có dấu hiệu bị bệnh, yếu ăn, xù lông...phải đưa ra chăm sóc riêng.
Thường xuyên theo dõi tổ của chim trong quá trình cho chim ăn, gắp bỏ phân hay thức ăn rơi vãi trong tổ giả, vệ sinh tổ giả. Miếng nhựa hứng phân chim phải định kỳ 2 ngày phải vệ sinh, thay mới tránh phân đọng nhiều bốc mùi hôi thối, gây bệnh cho chim. Nền nhà nuôi chim được quét dọn và lau chùi sạch sẽ cuối mỗi ngày, đảm bảo môi trường nhà nuôi chim sạch sẽ.
Cán bộ KHKT hướng dẫn cho các tổ hang cách theo dõi và ghi nhật ký khoa học từng ngày. Cán bộ phụ trách thường xuyên liên lạc để nắm bắt những vấn đề phát sinh không thuận lợi cho chim nuôi, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo cho chim sinh trưởng phát triển tốt nhất.
Đây là năm đầu tiên triển khai ứng dụng mô hình cứu hộ chim yến non rơi tổ tại các hang yến với nhiều yếu tố không thuận lợi, tỉ lệ chim sống và bay được như vậy là khá tốt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong quá trình nuôi dẫn đến tỉ lệ chết vẫn còn cao, đó là: thức ăn cấp đông lâu ngày tại đảo chưa thật sự đảm bảo, chế độ nhiệt ẩm nhà nuôi chưa thật sự thích hợp. Ngoài ra, kỹ thuật chế biến phối trộn thức ăn và kỹ thuật cho ăn bước đầu vẫn còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, những hạn chế trên hoàn toàn có thể khắc phục được trong những lần nuôi tiếp theo.
Ban QL&KT Yến CLC